Năm nay là tròn 20 năm tính từ ngày bài báo về vaccine và bệnh tự kỉ của Bác sĩ Andrew Wakefield công bố trên tập san y khoa lừng danh Lancet. Hai thập niên đã trôi qua, nhưng dư âm và tác động [tiêu cực] của bài báo này vẫn còn tồn tại ngay cả ở Việt Nam. Có vài bài học mà chúng ta trong cộng đồng y học có thể rút ra từ sự việc tạm gọi là "Vụ Andrew Wakefield".
Năm 1998, Bs Wakefield và cộng sự báo cáo dữ liệu từ 12 trẻ em được tiêm chủng vaccine phòng ngừa bệnh sởi, quai bị, rubella (MMR); trong số này 8 em mắc hội chứng tự kỉ. Họ viết “Onset of behavioural symptoms was associated by the parents with measles, mumps, and rubella vaccination in eight of the 12 children,” và thời gian từ lúc tiêm vaccine đến khi mắc hội chứng tự kỉ là 6.3 ngày (dao động trong khoảng 1-14 ngày). Một cách phi logic, nhưng dựa trên quan sát đó, Wakefield và cộng sự cho rằng vaccine MMR chính là nguyên nhân gây bệnh tự kỉ ở trẻ em!
Tuy nhiên, hàng loạt nghiên cứu sau đó đã bác bỏ kết quả và kết luận của nhóm Wakefield. Nhưng oái oăm thay, người chỉ ra những sai trái của Wakefield không phải là trong y học, mà là một nhà báo tên là Brian Deer. Ông Deer đến phỏng vấn phụ huynh của các em bệnh nhân trong bài báo của Wakefield, và phát hiện rất nhiều dữ liệu bị nguỵ tạo, vặn vẹo số liệu. Deer đi đến kết luận rằng Wakefield đã gian dối trong báo cáo dữ liệu. Gian dối trong khoa học là một 'tội' rất nghiêm trọng.
Hậu quả là Bs Wakefield bị rút bằng hành nghề thầy thuốc, và bài báo trên tờ Lancet bị rút xuống. Ở Việt Nam, ít người biết đến vụ Wakefield, nhưng những nhóm chống vaccine thì đã từng dùng bài báo của ông để kêu gọi không tiêm chủng vaccine. Đó là một ý kiến rất nguy hiểm, bởi vì Việt Nam là nơi có nhiều trẻ em bị bệnh quai bị và sởi. Do đó, chúng ta cần phải rút ra vài bài học từ vụ Wakefield. Tôi nghĩ đến 5 bài học như sau:
Bài học 1: suy luận về nguyên nhân và hệ quả. Đối với bài báo của Bs Wakefield, dữ liệu không cho phép ông nói rằng vaccine MMR là nguyên nhân của tự kỉ được. Lí do là bởi vì ông chỉ quan sát trên một số bệnh nhân. Và, quan trọng hơn, hoàn toàn không có một cơ chế sinh học gì để giải thích mối liên quan giữa vaccine và bệnh tự kỉ. Không có cơ chế sinh học, ông chỉ có thể nói "có thể có mối liên quan" mà thôi.
Bài học 2: phân biệt mô hình nghiên cứu và giá trị khoa học. Như nói trên, bài báo của Wakefield và cộng sự không thể xem là một "nghiên cứu" được; đó chỉ là một "case series", tức là tập hợp những ca lâm sàng mà thôi. Ca lâm sàng thì không có nhóm chứng (control). Thiếu nhóm chứng thì không thể phát biểu về nguyên nhân. Không thể nào dựa vào sự thật [nếu là sự thật] rằng trong số 12 người bệnh tự kỉ, có 8 người có yếu tố nguy cơ (vaccine MMR), rồi nói rằng vaccine là nguyên nhân của tự kỉ.
Bài học 3: vấn đề y đức. Bài báo của Wakefield không hề thông qua bất cứ một hội đồng y đức nào trong bệnh viện. Ông cũng không có "informed consent" (thoả thuận) của bệnh nhân và phụ huynh bệnh nhân. Người ngoài nhìn vào thì có thể nói "đâu có vấn đề gì, ông ấy chỉ lấy thông tin thôi mà", nhưng đó là cách nhìn đơn giản và chưa thấu đáo. Vấn đề đặt ra là những thông tin đó đã được dùng cho mục đích gì và thông tin cá nhân đã được tiết lộ cho ai. Đó là vấn đề y đức. Ngày nay, tất cả các nghiên cứu liên quan đến người, không nhất thiết phải là bệnh nhân, đều trên nguyên tắc phải được sự phê chuẩn của một hội đồng y đức. Sự việc Wakefield là một bài học đắc giá về y đức trong nghiên cứu y khoa.
Bài học 4: giới báo chí phải học cách đánh giá chứng cứ y khoa. Bài báo của Wakefield tuy chẳng có giá trị khoa học gì cả, nhưng thông điệp trong đó thì lại được giới báo chí rất tin và loan đi nhanh chóng. Cái thông điệp kiểu "vaccine làm cho trẻ em bị tự kỉ" nó rất đơn giản, rất dễ hiểu, rất 'dễ đi vào lòng người', tức là nó hội đủ những tiêu chí của giới báo chí. Giới báo chí thích có một câu trả lời đơn giản cho một vấn đề phức tạp. Và, Bs Wakefield đã đáp ứng được yêu cầu của báo chí.
Bài học 5: không nên tin vào ý kiến cá nhân, tin vào dữ liệu khoa học. Ông Edwards Deming có một câu rất chí lí rằng "In God we trust, all others bring data", có thể hiểu là ngoại trừ tin vào Thượng Đế, còn tất cả các vấn đề khác cần phải có dữ liệu. Câu này rất quan trọng trong y học thực chứng. Trong y học, ý kiến của bác sĩ – cho dù là cấp giáo sư – là có giá trị khoa học thấp nhất. Ý kiến cá nhân thường chủ quan, và tính chủ quan tuỳ thuộc vào trình độ hiểu biết và kinh nghiệm của cá nhân, nên không thể tin một cách mù quáng. Một bác sĩ như Wakefield tuy có làm nghiên cứu khoa học nhưng không có thành tích gì đáng chú ý, thì càng khó tin hơn. Chỉ có dữ liệu khoa học đặt đúng bối cảnh thì mới khách quan.
Vụ Wakefield đã 20 năm trôi qua, nhưng "dư âm" và hệ quả của nó vẫn còn tồn tại. Nhưng nhóm chống vaccine vẫn vinh vào bài báo của Wakefield để chống lại việc tim chủng ngừa các bệnh quai bị và sởi. Một vài nhóm nghiên cứu chống vaccine vẫn còn trích dẫn bài báo của Wakefield dù nó đã rút xuống khỏi tập san Lancet. Bs Wakefield dù đã bị rút bằng hành nghề nhưng ông vẫn tin rằng vaccine là nguyên nhân gây ra bệnh tự kỉ. Hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh đã chỉ ra rằng hoàn toàn không có một mối liên quan gì giữa vaccine và tự kỉ. Ngược lại, vaccine chống các bệnh như quai bị và sởi là một trong những thành tựu lớn nhất của y khoa hiện đại. Vụ Wakefield đã cung cấp cho giới y khoa, báo chí và công chúng nhiều bài học để sự việc không lặp lại một lần nữa trên thế giới.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn