Quy định bắt buộc
Đầu năm 2018, Bộ Y tế đã lựa chọn thí điểm ứng dụng CNTT đối với nhà thuốc tại 4 địa phương Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Nam Định. Qua thời gian thí điểm, toàn bộ các nhà thuốc, các tủ thuốc tại trạm y tế xã các tỉnh thí điểm đã được tập huấn. Việc thực hiện sử dụng phần mềm ứng dụng CNTT kết nối liên thông nhà thuốc tại các cơ sở thí điểm đã duy trì cập nhật thường xuyên.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có thêm 25 tỉnh triển khai kết nối các nhà thuốc với 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc, liên thông kết nối hơn 22.000 đơn thuốc, trong đó có 1.915 cơ sở thường xuyên cập nhật số liệu về mua bán thuốc lên website https://duocquocgia.com.vn/.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện trên toàn quốc có 41.394 cơ sở bán lẻ, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân; 1200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7300 đại lý.
Kế hoạch từ đây đến cuối năm sẽ nối mạng đến tất cả nhà thuốc tư nhân trên cả nước. Việc quy định các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra là quy định bắt buộc. Vì vậy các nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý- đại diện Cục Quản lý Dược cho biết.
Thay đổi nhận thức người bệnh
Để hạn chế thực trạng sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc không kê đơn tràn lan thì ứng dụng CNTT, kết nối các cơ ở cung ứng thuốc là một giải pháp hiệu quả để ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và đặc biệt là khắc phục tình trạng kháng kháng sinh. Nhưng trên thực tế tại một số địa phương việc triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, việc triển khai ứng dụng CNTT tại một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng vấp phải nhiều trở ngại do hoàn cảnh thực tế và trình độ kinh tế - xã hội còn chậm phát triển. Không chỉ vậy, khi tiến hành khảo sát cho thấy trình độ tin học của nhiều chủ tiệm thuốc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất hạn chế nên chậm chuyển biến nhận thức. Vậy nên, việc giúp người bệnh thay đổi nhận thức trong việc mua thuốc chữa bệnh cho chính mình vẫn còn là chặng đường dài.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở bán lẻ thuốc nên việc kiểm soát bán thuốc theo đơn rất khó. Mức xử phạt vi phạm về bán thuốc kê đơn chưa đủ sức răn đe. Đối với hành vi bán thuốc bắt buộc phải có đơn như kháng sinh mà không có toa của bác sĩ, cũng chỉ bị phạt 200.000-500.000 đồng.
Hơn nữa, khi thực hiện kết nối mạng, những đơn thuốc của người bệnh sẽ được lưu quầy thuốc để tránh được tình trạng người dân mượn đơn của người khác để đi mua thuốc. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết đơn thuốc chỉ có chữ ký của bác sĩ hoặc chỉ được đóng dấu treo của bệnh viện nên rất dễ làm giả.
Trên thực tế, nhiều người dân vẫn chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về việc sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai, việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài là một nguyên nhân rất lớn góp phần tăng tỷ lệ kháng thuốc.
Để khắc phục tình trạng cứ có bệnh là mua thuốc, hạn chế kháng kháng sinh, cần nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng thuốc. Khi mà mỗi người dân đã ý thức được việc sử dụng thuốc thì quá trình tiến hành ứng dụng CNTT kết nối các nhà thuốc sẽ diễn ra thuận lợi, hiệu quả.
* Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ đã giao cho Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh nghiên cứu để ban hành thông tư về kê đơn thuốc. Trên đơn phải ghi họ tên đầy đủ của người mua thuốc, bị bệnh gì, dùng loại thuốc gì,… Đến năm 2020, tất các nhà thuốc phải hoàn thành nối mạng. Đến đầu năm 2021 tất cả các quầy thuốc phải nối mạng.