Thi thoảng mình vẫn xem được các đơn thuốc của một số người bệnh với chẩn đoán thiếu máu cơ tim mà không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh điều đó hoặc nếu có thì lại không rõ ràng. Trong đơn thuốc, aspirin là loại thuốc thường thấy nhất.
Thú thật, mình cũng không chắc về vấn đề này - việc sử dụng asprin dự phòng cho các bệnh nhân như thế, cho nên mình không hề có bất cứ lời khuyên hoặc bất cứ thay đổi nào liên quan tới việc sử dụng asprin đó, nhất là ở những người bệnh có yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch máu (mạch vành, mạch não...).
Hôm nay mình đọc được một thử nghiệm lâm sàng lớn (ASPREE clinical trial) liên quan tới vấn đề mà mình phân vân ở trên mới công bố trên tạp chí NEJM ngày 16 tháng 9 năm 2018. Thử nghiệm lâm sàng này tuyển chọn 19114 người trên 70 tuổi, không có bệnh lý tim mạch, không có sa sút trí tuệ và không có các khuyết tật về thể chất... tham gia vào nghiên cứu từ năm 2010 đến năm 2014 tại Úc và Mỹ.
Những người tham gia nghiên cứu được chia ngẫu nhiên vào hai nhóm: nhóm can thiệp (sử dụng asprin liều thấp, 100 mg/ngày) và nhóm chứng (sử dụng giả dược). Kết quả nghiên cứu chính là tỷ lệ tử vong, sa sút trí tuệ và các khuyết tật về thể chất. Một trong những kết quả nghiên cứu phụ là tỷ lệ chảy máu lớn.
Nghiên cứu phải dừng sớm hơn một chút so với dự kiến vì kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng aspirin ở người cao tuổi khỏe mạnh không thấy có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong, sa sút trí tuệ và các khuyết tật về thể chất so với người không sử dụng thuốc, thậm chí tỷ lệ tử vong do tất cả các nguyên nhân còn cao hơn có ý nghĩa ở nhóm bệnh nhân dùng aspirin so với nhóm không dùng aspirin. Hơn nữa, tỷ lệ chảy máu lớn ở người dùng aspirin cũng cao hơn có ý nghĩa so với người không dùng.
Như vậy, việc sử dụng aspirin cho người cao tuổi, kể cả khi họ có yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch... khi không có bằng chứng mắc các bệnh lý về mạch máu: bệnh lý mạch vành, bệnh lý mạch não... sẽ không mang lại lợi ích gì, thậm chí nó còn gây hại./.