Bệnh nhận đang nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Dù đã được tiến hành lọc máu thải chất độc, chạy thận nhân tạo... nhưng tình trạng vẫn rất nặng.
Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại mật động vật tránh nguy cơ bị ngộ độc. Ảnh minh họa: Hcmuaf.
Theo các bác sĩ, mật cá trắm nói riêng và mật động vật nói chung đều có thể gây độc vì trong thành phần có chứa nhiều độc chất. Do vậy, khi đưa nguyên cả túi mật cá trắm vào cơ thể, chính là đưa một lượng độc chất vào.
Những trường hợp bị ngộ độc mật động như trên không phải hiếm gặp vì nhiều người vẫn lầm tưởng ăn mật cho bổ. Bệnh nhân thường không tử vong ngay lập tức mà thường sau vài tiếng, thậm chí vài ngày, chất độc ngấm vào cơ thể và phá hủy các cơ quan nội tạng.
Thực tế, tại Trung tâm Chống độc, mỗi năm đều phải cấp cứu cho vài chục trường hợp bị nhiễm độc mật với các biểu hiện như vàng da, vàng mắt. Ca nào nặng thì viêm gan, suy gan, chảy máu khắp nơi, hoặc vô niệu (không đi tiểu được do suy thận cấp), chất độc ứ trong người… phải tiến hành lọc máu liên tục nhiều ngày. Thậm chí có trường hợp đã tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông Y cho biết, bản thân mỗi người đều có một cái mật rất to, cơ thể con người thường xuyên sản sinh ra dịch mật đủ để tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, không cần thiết phải uống mật động vật để giúp tiêu hóa tốt hơn.
Trong Đông Y, chỉ có một số loại mật được dùng để chữa bệnh như: mật gấu, mật ba ba, rắn, lợn, gà, vịt. Tuyệt đối không dùng mật cá trắm, mật cóc... như đồn thổi trong dân gian để chữa bệnh. Đối với các loại mật có thể sử dụng cũng cần phải tuân thủ theo đúng chỉ định, liều lượng và cách chế biến của bác sĩ với từng bệnh nhân cụ thể.